Cách phân biệt cà phê thật và hóa chất, bắp rang
Cách phân biệt cà phê thật và hóa chất, bắp rang
Ly cà phê nguyên chất có màu cánh gián chứ không phải màu đen. Còn cà phê có màu đen sậm thì coi chừng có thể có phẩm độc thường dùng nhuộm vải sợi.
Thú uống cà phê: Dân ghiền cà phê vào buổi sáng sớm chỉ thích uống cà phê lề đường và tán gẫu thời sự với nhau. Quán cà phê lề đường mà chúng tôi uống buổi sáng toàn dân ghiền và người khách ít thâm niên nhất cũng đã 15 năm. Riêng tôi đã có “30 tuổi cà phê” ở đây.
Những bạn cà phê làm rất nhiều ngành nghề. Chúng tôi chào ngày mới bằng những đề tài rất hào hứng về kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật, đời sống và nghệ thuật. Cà phê tuy không ngon lắm nhưng rất thú vị khi vừa nhâm nhi vừa tán gẫu.
Riêng tôi, vì là dân ghiền cà phê nên công việc đầu ngày của tôi là nấu ấm nước để pha cà phê đặc biệt và trà đặc biệt. Uống xong, rồi mới ăn sáng và đi đến quán cà phê ruột để tán gẫu, xong mới đi làm. Sau giấc ngủ trưa, tôi phải có một cữ cà phê đặc biệt nữa.
Dân ghiền cà phê chỉ khoái cà phê ngon: Bạn không thể nào uống được ly cà phê ngon khi chỉ pha một loại cà phê. Dân ghiền nặng như ba tôi uống cà phê rất cầu kỳ. Ông pha một phần cà phê Moka và hai phần cà phê J. Martin và cho vào một ít bơ Bretel tan chảy.
Một phin cà phê được pha vào khoảng 25cc sữa đặc có đường. Hương thơm ngào ngạt tự nhiên của Moka và vị đắng thanh thoát của J. Martin hòa quyện vào sữa đặc tạo thành độ sánh, làm thỏa mãn khứu giác, vị giác và thị giác của bạn mà không cần đến bắp rang (để tăng độ sánh).
Tách cà phê luôn được hâm nóng trong nước sôi. Nhấp từng muỗng cà phê, tinh thần bạn rất sảng khoái, tâm thần thăng hoa. Cảm giác thăng hoa sẽ lên đến đỉnh điểm nếu bạn uống một ly cà phê sữa như thế trên bờ hồ Xuân Hương (Đà Lạt) vào một đêm đông, bên tai nghe văng vẳng tiếng đàn dương cầm.
Cà phê xưa và nay: Có hai dòng cà phê: Arabica và Robusta. Arabica, rất khó trồng, cho mùi hương thật tuyệt vời. Robusta lại cho vị rất đậm đà. Mà dân ghiền cà phê thì muốn được thưởng thức cả hương và vị.
Trước đây, người Pháp mang vào Việt Nam hai giống cà phê thượng hảo hạng: Moka thuộc dòng Arabica và J. Martin thuộc dòng Robusta. Hai giống cà phê này rất nổi tiếng trên thế giới và đắt giá hơn cả cà phê thượng hảo hạng của Brazil.
Trước năm 1975, Sài Gòn có những tiệm cà phê nổi tiếng chuyên dùng hai loại cà phê này như: Brodard, La Pagode, 5 Dưỡng. Riêng cà phê 5 Dưỡng, giá bình dân, là nơi tập trung nhiều văn nghệ sĩ để tìm nguồn cảm hứng.
Ngày trước, người uống cà phê ít, thanh niên cũng không thích lắm, mà người sản xuất cà phê thì nhiều, nên không có tình trạng pha bắp rang. Cà phê bình dân cũng ngon. Ngày nay, văn hóa uống cà phê chủ yếu là giao tiếp, nên người ta ít chú trọng đến chất lượng cà phê. Vả lại, các quán cà phê phát triển rộng khắp, cà phê hạt thiếu, nên xảy ra tình trạng pha bắp rang, lâu ngày thành ra thói quen.
“Cà phê pha bắp rang” lại đáp ứng được “gu” khoái “sánh” của giới trẻ. Mà “cà phê pha bắp rang” thì làm sao có mùi vị tuyệt diệu bằng cà phê nguyên chất, nên giới kinh doanh cà phê mới tìm đến tinh dầu cho mùi hương cà phê. Lòng tham không đáy, họ còn nhẫn tâm rang bắp/đậu nành đến cháy đen và thêm nhiều phụ gia độc hại vào cho giống cà phê.
Nhiều thương hiệu cà phê cũng có pha bắp rang, tỷ lệ pha khoảng 10%. Với tỷ lệ pha này, cà phê không được ngon như cà phê nguyên chất, nhưng uống cũng được và không độc hại.
Hiện nay, muốn uống được cà phê nguyên chất, chỉ còn cách là mua cà phê hạt ở Buôn Mê Thuột về nhờ cơ sở xay rang nhỏ, quen biết gia công.
Cách nhận biết cà phê thật: Cà phê nguyên chất khi pha ra, có màu cánh gián chứ không phải màu đen, nước cà phê trong chứ không đục. Có những quán, khi cà phê pha xong, họ đánh cho dậy bọt: đó là cà phê có pha hương cà phê, hoặc nguy hiểm hơn là có chất tạo bọt Sodium lauryl sulfat. Cũng không hiểu tại sao có một số dân ghiền cà phê lại khoái uống cà phê dậy bọt?
Khi cà phê pha phin, chưa bỏ đường mà đã có vị ngọt, đó là do có caramel. Mà đã có caramel, thì chắc hẳn là có pha đậu nành hoặc bắp rang.
Cà phê có màu đen sậm: coi chừng có phẩm nhuộm phân tán (dùng trong nhuộm vải sợi, rất độc hại cho sức khỏe). Họ dùng phẩm nhuộm phân tán để tạo màu và hương cà phê để tạo hương, chứ chẳng có cà phê gì hết. Thường những quán cà phê lề đường “không chuyên” (chỉ bán cho khách vãng lai) và một số quán cà phê nhạc chơi thủ pháp độc ác này.